Xuất nhập khẩu năm 2018 Xác lập những kỷ lục mới
02/01/2019 08:53:57 AM (GTM +7)


Đa dạng giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Năm 2017, ghi nhận mốc kỷ lục khi kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 tỷ USD - đạt 425,12 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 214,02 tỷ USD; nhập khẩu là 211,1 tỷ USD; xuất siêu gần 3 tỷ USD, là con số cao nhất cho đến thời điểm đó. Đây là tin vui cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng đồng thời cũng là rào cản không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu của năm 2018.

Ngay trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã không giấu kỳ vọng cho hoạt động xuất nhập khẩu của ngành Công Thương năm 2018 khi “đặt hàng” kim ngạch XK phải tăng 10% (trước đó, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng 7 - 8%). Đặt trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng, nhiều quốc gia đặt rào cản phi thuế quan cho hàng nhập khẩu; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới… nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương không hề dễ dàng.

Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN). Đơn cử, Nghị định 107/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo do Bộ Công Thương xây dựng được Chính phủ ký ban hành đã giúp tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia thị trường, kể cả DN tư nhân. Nhờ đó, trong các gói thầu của các nước nhập khẩu gạo mới đây, cơ hội đã mở ra cho nhiều DN tư nhân như Tân Long, Lộc Trời…

Các DN XK cũng nỗ lực mở rộng thị trường, mở rộng đơn hàng, tận dụng các ưu đãi từ cam kết hội nhập. Đáng chú ý, tỷ lệ tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ngày càng hiệu quả. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 458.285 bộ C/O ưu đãi với trị giá 22,7 tỷ USD được cấp, tăng 36% về trị giá và tăng 33% về số lượng hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại cũng có nhiều nét mới, đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, làm tốt việc hỗ trợ DN Việt Nam đưa hàng vào chuỗi phân phối bán lẻ tại nước ngoài như AEON, Lotte, Metro… Hiện đã có 6 sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị AEON tại Nhật Bản và đang tràn đầy cơ hội được XK sang chuỗi siêu thị AEON khắp thế giới. AEON cũng cam kết đến năm 2020, kim ngạch XK hàng hóa vào hệ thống AEON tại Nhật Bản và các thị trường khác sẽ đạt 500 triệu USD.

Đáng chú ý, trước khi tổ chức các kỳ hội chợ, hàng hóa đã được gửi trực tiếp cho khách hàng thẩm định. Từ đó, tăng số lượng hợp đồng thương mại được ký kết trực tiếp tại sự kiện.

“Mùa quả ngọt”

Những nỗ lực chung đó đã mang lại kết quả XK khả quan khi con số kỷ lục của năm 2017 đã được vượt qua chỉ sau 11 tháng năm 2018. Cụ thể, hết tháng 11, tổng trị giá XK cả nước đã đạt 223,723 tỷ USD (cả năm 2017 là 214,02 tỷ USD), tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt 216,312 tỷ USD, xuất siêu 7,411 tỷ USD. Có tới 27 nhóm hàng đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên. Dự kiến, năm 2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 480 tỷ USD. Mốc 500 tỷ USD hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ đạt được vào năm 2019, chỉ tròn 2 năm sau khi mốc 400 tỷ USD được chinh phục.

Việt Nam được đánh giá là một nước đang trên đà hội nhập sâu rộng, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế. Nhiều FTA đã được ký kết, nhiều FTA sắp có hiệu lực, trong đó đáng chú ý là Hiệp định CPTPP và FTA Việt Nam - EU. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Bộ Công Thương đặt ra là tích cực phổ biến các hiệp định, giúp DN có thể tận dụng tối đa ưu đãi. Đồng thời, tìm hiểu về các quy định khắt khe của các thị trường để tránh và lách được các chướng ngại nhằm đưa hàng Việt Nam đến nhiều thị trường hơn nữa.

Cùng với đó, các DN được khuyến cáo phải tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa XK để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, khẳng định sức cạnh tranh thông qua thương hiệu. Đặc biệt, thay vì hoạt động đơn lẻ, cần phối hợp, liên kết với nhau để nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả ngành hàng, tạo nên sức cạnh tranh tổng thể cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Năm 2018, điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu còn được thể hiện qua kim ngạch XK của khối DN trong nước. Kim ngạch XK của khối này tiếp tục tăng trưởng tốt, ở mức trên 17%, cao hơn mức tăng trưởng XK chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI (kể cả dầu thô) là trên 13%.

Theo báo Công Thương điện tử