Trước đó, nhằm khuyến khích sản xuất, phối trộn và sử dụng xăng E5 theo đúng lộ trình đã nêu tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn
nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Thủ tướng Chính phủ đã
giao Bộ Tài chính điều chỉnh thuế xuất khẩu sắn lát nguyên liệu theo
hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên
liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ theo lộ trình sử dụng xăng sinh học quy định tại Quyết định 53/2012/QĐ-TTg,
Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Công Thương, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường,
Khoa học và Công nghệ; các Hiệp hội: Sắn Việt Nam, Nhiên liệu sinh học
Việt Nam và UBND các tỉnh có diện tích trồng sắn lớn (Sơn La, Yên Bái,
Hoà Bình, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia lai, Kon Tum,
Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương)
để xin ý kiến về đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất của mặt hàng sắn
lát.
Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của 10/12 ý kiến nhận được và 1 ý kiến đề
nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu lên 10% và 1 ý kiến giữ nguyên mức
0%, ngày 6/5/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2015/TT-BTC
quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng sắn lát. Thông
tư này có hiệu lực thi hành từ 20/6/2015.
Thời gian gần đây, Bộ Tài chính có nhận được công văn kiến nghị của một
số doanh nghiệp và qua thông tin trên một số báo phản ánh khó khăn của
doanh nghiệp khi thực hiện áp dụng chính sách thuế xuất khẩu sắn lát
5%.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức họp với các đơn vị
liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và
các Hiệp hội, đồng thời khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và Hiệp
hội liên quan làm việc cụ thể tại một số địa phương để đánh giá cụ thể
và rà soát lại thuế suất thuế xuất khẩu đối với sắn lát để có điều chỉnh
phù hợp nếu cần thiết.
Theo "Cổng Thông tin điện tử Chính phủ"