Những năm qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng ổn định. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khả quan: Năm 2011 đạt 347,6 triệu USD; năm 2012 đạt 449,7 triệu USD; năm 2013 đạt 249 triệu USD; dự kiến năm 2014 đạt khoảng 500 triệu USD (tăng 43,84% so với năm 2011), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2012 – 2014 đạt 12,9%.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 35 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thường xuyên. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tuy ít nhưng hoạt động hiệu quả, chiếm tỷ trọng cao khoảng 50-60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chiếm trên 40%, hầu hết đều có cơ sở chế biến quy mô công nghiệp đang hoạt động, hệ thống kho chứa cũng đã được đầu tư nâng cấp mở rộng hàng năm. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã có ý thức đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến, tuy nhiên so với yêu cầu của thị trường đòi hỏi vẫn còn nhiều hạn chế.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là hàng nông sản với một số mặt hàng cụ thể như: cà phê, cao su, sắn lát, tiêu, chè…, các sản phẩm này đã có mặt trên thị trường của hơn 40 quốc gia. Đặc biệt một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản…điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình trên 100 triệu USD/năm (từ 2010-2013). Theo số liệu thống kê cho thấy, những năm gần đây giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh (thường là từ 70-80%) và ngày càng tăng cao: năm 2010 là 153 triệu USD, năm 2013 đạt 183,31 triệu USD và dự kiến năm 2014 đạt 429 triệu USD.
Riêng 6 tháng đầu năm 2014, Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 398,48 triệu USD, đạt 132,83% so với kế hoạch năm, gấp 3,29 lần so với cùng kỳ. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của các mặt hàng nông sản chủ yếu là cà phê 174.111 tấn/341,48 triệu USD gấp 5,05 lần về lượng và tăng 4,62 lần về giá trị; Sắn lát 71.732 tấn/17,55 triệu USD tăng gấp 6,34 lần về lượng, gấp 6,26 lần về giá trị; Mủ cao su 4.379 tấn/9,56 triệu USD.
Hoạt động kinh tế biên mậu những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tăng cao qua các năm: năm 2010 đạt 39,36 triệu USD, năm 2013 đạt 103,91 triệu USD, ước năm 2014 đạt 120 triệu USD tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Nhiều chính sách ưu đãi được chính phủ hai nước Việt Nam-Campuchia thống nhất áp dụng đã tạo cơ hội cho quan hệ thương mại giữa 2 nước phát triển như: Ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% đối với một số mặt hàng có xuất xứ từ campuchia, bãi bỏ giấy phép nhập khẩu gỗ, hạ thuế suất thuế nhập khẩu sắn lát từ 10% về mức 3%… đã giúp cho tỉnh ta được hưởng lợi về nguồn hàng nông sản nhập khẩu từ Campuchia như sắn lát, đậu xanh , hạt điều… góp phần gia tăng nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng trưởng ổn định đã đáp ứng được nhu cầu đầu ra cho các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất kinh doanh.
Mở cửa và hội nhập kinh tế đã đặt nền kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng trước những cơ hội và thách thức lớn, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia mạnh mẽ hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần đây nhất là đang đàm phán, chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Chúng ta cần phải thừa nhận những hạn chế trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh, nhận thức rõ những khó khăn và thách thức phải đối mặt để tìm ra những hướng đi cho phù hợp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Là một tỉnh đang phát triển, tuy có nhiều mặt hàng xuất khẩu có sản lượng hàng hóa khá lớn, như cà phê, cao su, hồ tiêu, chè… nhưng doanh nghiệp của tỉnh vừa và nhỏ là chủ yếu chưa đủ mạnh để làm chủ được thị trường, còn phần lớn phụ thuộc và bị chi phối điều tiết bởi thị trường và doanh nhân nước ngoài, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ còn nhiều hạn chế, phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế, không thương hiệu nên giá trị gia tăng thấp… Điều đó sẽ làm cho Gia Lai khó khăn hơn trong cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và trên trường quốc tế. Gần đây nhất sự việc điển hình là sự sụt giảm của mặt hàng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung quốc.
Phát triển kinh tế đối ngoại có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế nói chung hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay nước ta đã và đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu sắc.
Trong thời gian qua tỉnh cũng đã triển khai các hoạt động nhằm góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại như tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với ngân hàng và các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Để cho hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh thời gian tới có điều kiện phát triển hơn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường; tích cực khai thác các thị trường mới, giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống lâu nay. Chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại nhằm tiếp cận các thị trường khác là điều cần thiết và cấp bách.
Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo, theo sát mọi diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc định hướng chiến lược xuất khẩu một cách hiệu quả.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước phải có sự phối hợp đồng bộ với nhau trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết những khó khăn về vốn; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Xây dựng cơ chế chính sách linh hoạt hơn nữa trong thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ cao su, cà phê…để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.
Nguyễn Tấn Lực
P. QLXNK&TMĐT