Quy định kiểm tra chuyên ngành Tiếp tục hoàn thiện
16/04/2018 07:40:51 AM (GTM +7)

Theo Tổng cục Hải quan, để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các điều kiện KTCN gắn với việc rà soát và ban hành danh mục hàng hóa XNK thuộc đối tượng phải KTCN trước thông quan theo hướng chi tiết tên hàng, kèm mã số hàng hóa (mã HS); có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để kiểm tra; chỉ KTCN trước thông quan với những mặt hàng có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, dịch bệnh, an ninh quốc gia…, đơn vị này đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát, loại bỏ những quy định chồng chéo, không cần thiết, tiến tới thống nhất danh mục hàng hóa phải KTCN theo hướng một mặt hàng chỉ chịu một loại hình kiểm tra do một đơn vị quản lý. Bên cạnh đó, nghiên cứu đổi mới các quy định về thủ tục hải quan phù hợp những quy định mới về quản lý và KTCN, bảo lãnh thông quan; thực hiện điện tử hóa thủ tục KTCN (nộp hồ sơ, trả kết quả...); kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, KTCN với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. 

Để hiện thực hóa mục tiêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, cơ quan này đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp để Bộ Tài chính xem xét và trình Chính phủ thông qua Dự thảo Nghị định Quy định về thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và KTCN. 

Đến thời điểm này, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của 12 bộ, ngành quản lý chuyên ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Theo đó, đa số ý kiến đều nhất trí với các nội dung dự thảo nghị định. Trên cơ sở ý kiến tổng hợp, Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý nhiều nhóm nội dung quan trọng cho phù hợp thực tế quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Góp vào Dự thảo Nghị định quan trọng này, trong một cuộc hội thảo mới đây, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, Bộ sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến và triển khai khi Nghị định có hiệu lực. 

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại hơn 1.000 DN, 25% DN cho biết thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó; 67% bình thường; 8% dễ thực hiện.