Để kiểm soát nhập siêu bền vững theo Chiến lược Xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến 2030, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và tổ chức triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, hàng trong nước đã sản xuất được. Nhờ vậy, đến nay nhóm hàng tiêu dùng chỉ còn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu và mức tăng trưởng hàng năm không cao. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu; tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sử dụng các loại máy móc, thiết bị và vật tư này.
Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để quản lý nhập khẩu; trong đó, đã và đang áp dụng hiệu quả biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia...
Trong công tác điều hành, Bộ Công Thương luôn chỉ đạo, theo dõi sát sao diễn biến nhập khẩu để kịp thời đưa ra các biện pháp, đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý nhập khẩu hợp lý.
Với những nỗ lực và các biện pháp đã thực hiện nêu trên, kết quả kiểm soát nhập siêu đã bảo đảm được các mục tiêu, yêu cầu do Quốc hội, Chính phủ đề ra. Điều này phản ánh rõ nét trong cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam những năm vừa qua và hiện nay. Nếu trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam luôn nhập siêu lớn ở mức khoảng 12,5 tỷ USD/năm; đến giai đoạn 2011-2015 nhập siêu đã giảm chỉ còn ở mức khoảng 2 tỷ USD/năm (năm 2015 nhập siêu khoảng 3,5 tỷ USD, chỉ bằng 2,2% kim ngạch xuất khẩu); thì từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã thay đổi từ nhập siêu sang xuất siêu. Cụ thể, năm 2016 Việt Nam xuất siêu đạt 1,78 tỷ USD; trong năm 2017 (tính đến ngày 15/12/2017), Việt Nam đã xuất siêu đạt 2,72 tỷ USD.
Diễn biến tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2017 cho thấy, nhập khẩu hàng hóa vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, trong khi nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ và đang tiếp tục giảm. Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát và đánh giá kỹ tình hình nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng cao như sắt thép, ô tô... để có những giải pháp kiểm soát hiệu quả, đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước./.
Theo báo Công Thương điện tử