Thị trường ổn định xuất khẩu tăng trưởng cao
03/07/2017 10:28:46 AM (GTM +7)

Xuất khẩu tăng trưởng cao

Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong 6 tháng qua, thị trường trong nước nhìn chung duy trì ổn định. Trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp thuận lợi cùng với chương trình bình ổn thị trường được nhiều địa phương triển khai tốt nên giá hàng hóa không có biến động lớn.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho hay, bắt đầu sang tháng 4, thị trường các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do xuất khẩu sang Trung Quốc bị ngừng trệ, cung trong nước vượt cầu, giá các sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, trứng gia cầm theo giá thịt lợn giảm mạnh so với trước đó (khoảng 40-60%). Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho các sản phẩm thịt trong nước, tích cực mở cửa thị trường, khơi thông thị trường xuất khẩu. Đến cuối tháng 5, tiêu thụ các mặt hàng này đã cải thiện, giá tăng nhẹ và duy trì đến thời điểm này.

Đặc biệt, ông Phạm Đức Thắng - Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, sau 6 tháng đầu năm, giá xăng A92 trên thị trường thế giới hiện cao hơn cùng kỳ 26%; giá dầu cao hơn 34%. Tuy nhiên, sau 6 tháng, giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/lít. Điều này có được nhờ sự điều hành bám sát với giá thế giới, đồng thời sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí tùy từng thời điểm để giá xăng dầu không tăng quá mạnh, ảnh hưởng đến thị trường và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Xuất khẩu cũng đang đóng góp tích cực cho tiêu thụ hàng hóa trong nước. Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, sau 6 tháng, ước kim ngạch xuất khẩu cả nước đã tăng 18,9% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng rất cao, cho thấy những nỗ lực của ta trong mở cửa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu đang đi đúng hướng.

Với những diễn biến như vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và các dịch vụ xã hội tháng 6 đạt 326.625 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước. Trong đó nhóm có mức tăng cao là lưu trú ăn uống và du lịch (tăng từ 4,4-5,5%) do đang mùa du lịch cao điểm. Các nhóm khác chỉ tăng từ 1-1,9%.

Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.924.124 tỷ đồng, tăng 10,11% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng tăng khoảng 8,4%. Trong bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 30% và đang ở mức khá thấp như hiện nay), mức tăng trên được đánh giá là khá tốt, đạt được mục tiêu được giao.

Nhiều khả năng đạt mục tiêu về CPI

Cùng với sự ổn định của thị trường, giá cả hàng hóa cũng được kiềm chế tương đối tốt trong thời gian qua khi mặt bằng giá cả diễn biến theo xu hướng giảm dần. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, CPI tháng 6/2017 đã giảm 0,17% so với tháng trước. Trong đó các nhóm hàng có chỉ số giảm gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (do thực phẩm, lương thực nguồn cung tăng, giá giảm); giao thông (do giá xăng dầu giảm), bưu chính viễn thông (do cước viễn thông giảm theo các chương trình khuyến mại). Đây là những nhóm có tỷ trọng tương đối lớn nên đã góp phần giảm CPI chung. Các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,01-0,53%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2016 (con số này giảm dần từ mức 5,22% của tháng đầu năm xuống mức 4,96% của 3 tháng đầu năm và tiếp tục giảm dần đến tháng 6).

CPI những tháng đầu năm giảm do nhiều nguyên nhân như các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gà, trứng gia cầm giảm mạnh so với mặt bằng giá năm trước (CPI bình quân nhóm này giảm mạnh nhất với 1,74%). Bên cạnh đó, các chương trình bình ổn thị trường của Bộ Công Thương và các địa phương được triển khai khá tốt. Tỷ giá và lãi suất ở mức khá ổn định cho việc giảm chi phí và giá các mặt hàng nhập khẩu. Việc phối hợp hợp lý trong công tác điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý nhằm hạn chế thấp nhất mức độ biến động vào CPI chung.  

Trong thời gian tới, theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa trong nước sẽ chịu tác động của các yếu tố như thời tiết, khí hậu vẫn có nhiều khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân, nhất là chuẩn bị vào mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng trên thị trường thế giới đang có xu hướng ổn định nhưng vẫn có thể tăng cao vào cuối năm sẽ ảnh hưởng lớn đến giá xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước. Một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng. Ngoài ra, lương cơ bản sẽ được điều chỉnh tăng. Các mặt hàng trên sẽ tác động đến mặt bằng giá hàng hóa trong nước, tuy nhiên do nguồn cung các mặt hàng có tỷ trọng lớn là lương thực, thực phẩm vẫn khá dồi dào, giá thấp nên đã hỗ trợ cho mặt bằng giá chung thấp. Với sự phối hợp và dự kiến kịch bản điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như hiện nay, mục tiêu CPI bình quân năm 2017 do Quốc hội giao dưới 4% là có thể đạt được.

Theo Báo Công Thương Điện Tử