Dự
kiến, đầu tháng 10/2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương sẽ
tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh Kinh tế Á –
Âu khi Hiệp định VCUFTA có hiệu lực” nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
(về cơ chế chính sách, vận tải, thanh toán, thuế quan, rào cản kỹ thuật
thương mại, đối thủ cạnh tranh…) mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi
tiếp cận thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu.
Theo
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp
tham gia xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á- Âu, trong đó có khoảng 200
doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập
trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều,
hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…; 738 doanh nghiệp
tham gia xuât khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể.
Tại
Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước sẽ trình bày tham luận
theo chuyên đề liên quan đến từng lĩnh vực như thuế (Bộ Tài chính), quy
tắc xuất xứ (Bộ Công Thương), thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam),
quy định về kiểm dịch, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… khi xuất khẩu sang Liên minh Kinh
tế Á – Âu, đặc biệt là Liên bang Nga.
Sau
Hội nghị, dựa trên cơ sở các ý kiến của Hiệp hội, ngành hàng và doanh
nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu dự kiến sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan
tổ chức đoàn công tác sang Liên bang Nga (vào cuối tháng 10 hoặc đầu
tháng 11 năm 2016) để kết hợp trao đổi, làm việc với các cơ quan quản lý
nhà nước nhằm tháo gỡ rào cản, vướng mắc và thực hiện xúc tiến thương
mại, kết nối giao thương hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước.